Tú Suất là người lanh lợi, nói xuôi cũng được, nói ngược cũng xong. Khi ấy có nhà nữ tu có tiếng; trong ấy có một người con gái lịch sự, xinh đẹp, người ta ai ai cũng biết. Anh em bạn biết ve nàng ấy thì khó lắm, không ai ve được; bữa ấy mới đó Tú Suất lầm lầm sao mà nhận mà bắt nàng ấy ra cho được. Tú Suất chịu. Vậy mới tập trẻ hầu hạ, đứa kêu bằng chú, đứa kêu bằng bác, đứa kêu bằng cậu, đứa kêu bằng dượng, sắp đặt tử tế. Tú Suất mới viết thơ cho người đem vào thưa với bà sư cô coi nhà như tu ấy, mà xin bà ấy cho vợ mình lại, rằng nàng ấy tên là ấy, thật là vợ mình, vì giận hờn nhau mà bỏ mà lánh mình đi tu thôi. Nhứt diện xin với bà sư cô, nhứt diện đi thưa với làng sở tại. Làng đòi bà sư cô biểu đem nàng ấy ra đình làng mà tra hỏi cho ra việc.
Ở trong chùa kéo nhau ra nhà làng các đứa hầu Tú Suất chạy theo: đứa kêu bác, đứa kêu thím, đứa kêu mợ, đứa kêu dì mà khóc cùng đường rằng:
Sao cô bỏ... (chú, bác, cậu, dượng) mà đi tu cho đành! Làng hỏi, nàng thưa một hai không có chồng, không biết người trai ấy là ai bao giờ...
Làng bắt lí rằng:
Sao trẻ năm bảy đứa em cháu nó khóc nó kêu nó nhìn mình... Sao nó không nhìn các cô khác?
Nên làng dạy bà sư cô giao lại cho Tú Suất đem vợ về.
Nàng ấy giãy giụa khóc la mà phải vâng phép làng mà về theo Tú Suất, không chối cãi gì được.